Tiêm insulin là một phần thiết yếu trong quá trình điều trị bệnh của hầu hết bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường type 1, type 2, bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ, ĐTĐ do viêm tụy mãn….Việc điều trị là lâu dài nên người bệnh cần nắm vững kỹ thuật tiêm sẽ giúp hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết tốt hơn và ngăn ngừa các tác dụng phụ của thuốc. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách tự tiêm insulin tại nhà.
Các vị trí tiêm insulin
Những khu vực lý tưởng để tiêm vào là những bộ phận cơ thể có một lớp mỡ dưới da dày để thuốc hấp thụ từ từ. Khi tiêm insulin, bạn chỉ nên tiêm trực tiếp vào mô mỡ ngay dưới da, không nên tiêm sâu hơn vào cơ vì như vậy thuốc bị hấp thu quá nhanh, có thể gây tụt đường huyết. Những khu vực nhiều mỡ cũng có ít đầu dây thần kinh hơn, sẽ đỡ đau hơn khi tiêm.
Bạn có thể tiêm tiểu đường ở bụng, bắp tay, mông và mặt trước ngoài của đùi. Khi tiêm vào vùng bụng, tránh tiêm vào rốn. Lưu ý với người gầy không nên chọn tiêm vào cánh tay, vì tay của người gầy thường rất ít mỡ.
Tuyệt đối không tiêm insulin vào những nơi có vết thương hở, có sẹo hoặc vết bầm tím. Insulin được tiêm vào những vị trí này có thể không được hấp thu một cách chính xác.
Insulin được tiêm vào cùng một vị trí quá nhiều lần có thể khiến vùng da đó bị nổi cục cứng, sưng tấy, da dày lên và trở nên sần cứng hơn. Điều này sẽ cản trở khả năng hấp thụ insulin. Vì vậy, bạn bắt buộc phải xoay vòng các vị trí tiêm. Hãy thử tiêm vào các điểm khác nhau ở vùng da đã được chọn, mỗi điểm cách nhau ít nhất 3cm. Sau 1 -2 tuần bạn có thể quay lại vị trí cũ.
Tuyệt đối không thay đổi vị trí tiêm hàng ngày từ bộ phận này sang bộ phận khác trên cơ thể, chẳng hạn như từ vùng bụng xuống đùi. Thay vào đó, bạn chỉ nên thay đổi vị trí tiêm trên cùng một vùng da đã và đang được sử dụng. Tốt nhất, bạn nên hỏi kỹ bác sĩ của mình vị trí tiêm insulin phù hợp nhất.
Hướng dẫn tự tiêm insulin bằng ống tiêm
Tiêm insulin bằng ống tiêm là phương pháp truyền thống được rất nhiều bệnh nhân tiểu đường lựa chọn. Ống tiêm insulin hiện nay cũng có nhiều kích cỡ khác nhau tùy thuộc vào liều lượng insulin mà bạn cần. Các bước tiêm Insulin đúng cách như sau:
- Bước 1: Rửa sạch tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn bằng nước sát khuẩn.
- Bước 2: Nếu thuốc Insulin sử dụng lần đầu bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh phải để thuốc ra ngoài trước 10-15 phút và ghi ngày mở nắp bên ngoài vỏ lọ. Lăn nhẹ thuốc trong lòng bàn tay 15 – 20 lần (nếu là Insulin hỗn hợp).
- Bước 3: Sát khuẩn nắp cao su lọ thuốc bằng cồn 70 độ, để khô.
- Bước 4: Tháo nắp nhựa bơm tiêm kéo ngược Piston của bơm tiêm để lấy một lượng khí đúng bằng lượng thuốc cần tiêm.
- Bước 5: Đâm kim vào lọ thuốc, đẩy lượng không khí trong bơm tiêm vào lọ thuốc. Kim tiêm vẫn nằm trong lọ thuốc, dốc ngược lọ thuốc ngang tầm mắt, kéo từ từ piston để lấy đủ lượng Insulin theo chỉ định. Rút kim, đậy nắp kim. Nếu có bọt khí: Búng nhẹ và đẩy khí ra ngoài bằng cách đẩy nhẹ piston lên.
- Bước 6: Chọn vị trí tiêm và khử trùng nơi tiêm bằng cồn 70 độ.
- Bước 7: Véo da bằng hai ngón tay (ngón cái và ngón trỏ) để cố định da cho đến khi bơm hết thuốc.
- Bước 8: Cầm bơm tiêm đâm 1 góc 45 – 90 độ so với mặt da (tùy thuộc người bệnh gầy hay béo).
- Bước 9: Bơm thuốc từ từ cho đến khi hết thuốc trong bơm tiêm
- Bước 10: Rút kim, thả tay véo da, ấn nhẹ miếng bông vào vùng tiêm, không chà xát lại nơi đã tiêm.
- Bước 11: Bỏ ống tiêm và kim tiêm đã sử dụng theo đúng hướng dẫn.
***Lưu ý: Cần xem kĩ nồng độ insulin theo số đơn vị trong 1 ml. Loại dùng cho bơm tiêm: 1ml có 40 UI đóng trong lọ 10ml hay 1ml có 100UI đóng trong lọ 10ml. Loại dùng cho bút chích: 1ml có 100UI đóng trong ống 1,5ml hay 3 ml (150UI hay 300UI/ống).
Công ty cổ phần Y Dược Bắc Nam chuyên phân phối và cung cấp các sản phẩm sử dụng trong y tế như Kim châm cứu, Kim cấy chỉ, Bơm kim tiêm,Thảo dược, Dược Liệu,…
Tham khảo: Bơm tiêm insulin dùng một lần Banapha
Tags: bơm kim tiêm, bơm tiêm insulin, các bước tiêm insulin, hướng dẫn tiêm insulin